Không mua hàng nhưng vẫn rút tiền mặt qua thẻ tín dụng là cách mà nhiều chủ thẻ ATM và các cửa hàng câu kết để hưởng lợi. Điều này gây ra những rủi ro lớn cho các ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho biết thẻ tín dụng là loại thẻ “xài trước trả sau”, ngân hàng cấp cho chủ thẻ một hạn mức và được khuyến khích dùng để thanh toán trong vòng 45 ngày không mất phí. Ngân hàng không khuyến khích rút tiền mặt từ thẻ tín dụng nên áp mức phí rút tiền mặt khá cao, lên đến 4-5% số tiền rút tùy ngân hàng.
Nở rộ dịch vụ
Ghi nhận của Thời báo Kinh Doanh cho thấy, trước và sau Tết là thời điểm nở rộ dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng thông qua các điểm bán hàng hóa, dịch vụ.
Do “quá tay” chi tiêu trong dịp Tết nên khi cần gấp một khoản tiền 30 triệu đồng, chị Mai Hương (Hà Nội) được một người bạn giới thiệu đến một cửa hàng bán mỹ phẩm trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho rút tiền từ thẻ tín dụng và được rút khá nhanh gọn, với lãi suất chỉ 2,2% trên số tiền rút mà vẫn chưa bị tính lãi ngay, trong khi nếu rút tại ATM có mức phí gần gấp đôi là 4%, lại bị ngân hàng tính lãi ngay.
Trong khi đó, anh Thiều Bảo Minh (Hà Nội) cho biết trong Tết do nhu cầu mua sắm cao, anh đã dùng hết hạn mức trong thẻ tín dụng. Hiện nay, ngân hàng báo thanh toán nợ nhưng chưa đến thời điểm nhận lương, nên anh gọi vào số hotline của trang website: tindungtainha.com, được một người hướng dẫn đến một địa chỉ trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) để đáo hạn thẻ tín dụng với chi phí 1,5%.
“Thủ tục khá đơn giản, họ giữ thẻ tín dụng của tôi và đến ngân hàng nộp tiền thanh toán. Sau đó, hạn mức thẻ được nạp đầy và họ cà thẻ rút tiền mặt để thu nợ cũng dưới hình thức mua hàng hóa, sau đó trả thẻ lại cho tôi chứ thực chất không có việc mua hàng”, anh Minh nói.
Đại diện một số ngân hàng thương mại chia sẻ, hiện nay, các ngân hàng đang thực hiện chủ trương của Chính phủ khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt nên đã gia tăng phát hành thẻ và mở rộng các đại điểm đặt máy POS tại các địa điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ… với nhiều ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng.
Chẳng hạn, khách hàng đăng ký thẻ tín dụng chỉ cần chứng minh thư, hộ khẩu và kê khai thu nhập hàng tháng là có thể được cấp thẻ. Còn đối với các cửa hàng chỉ cần có giấy đăng ký kinh doanh sẽ được ngân hàng lắp máy POS, với mức thu phí khá rẻ, từ 0,8 – 1,5%/tổng số tiền giao dịch.
“Lợi dụng chính sách thu phí khá rẻ này, nhiều cửa hàng đã bắt tay với chủ thẻ để dựng lên các giao dịch khống nhằm rút tiền từ thẻ tín dụng”, đại diện một ngân hàng cho hay.
Vấn nạn quẹt thẻ khống để rút tiền từ thẻ tín dụng lâu nay đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục đưa ra cảnh báo, các ngân hàng thương mại cũng tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng vẫn không thuyên giảm. Thậm chí, ngay từ sau Tết, dịch vụ này còn nở rộ gây mất an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng và rủi ro về nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Chưa đủ chế tài quản lý
Theo cảnh báo của các chuyên gia trong ngành tài chính, việc các ngân hàng ồ ạt gia tăng phát hành thẻ với những điều kiện dễ dàng nhằm gia tăng lượng khách hàng cũng giúp cho nguy cơ trục lợi từ quẹt thẻ khống tăng cao.
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối quý III/2018, tổng số lượng thẻ ngân hàng phát hành lũy kế cả nước là 147,3 triệu thẻ, tăng 20 triệu thẻ chỉ sau một năm. Trong đó, thẻ tín dụng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Tính đến hết quý III/2018, cả nước có 4,6 triệu thẻ tín dụng với tổng giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với cùng kỳ.
Việc đầu tư vào thẻ tín dụng mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các nhà băng nhờ cho vay với lãi suất cao hơn cho vay thông thường, cùng với đó là các khoản thu phí từ thẻ như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phạt nợ quá hạn… Vì vậy, các ngân hàng liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi, dễ dàng và thuận lợi để hút khách hàng.
Tuy nhiên, khi ngân hàng chỉ chú trọng đến việc gia tăng khách hàng mà bỏ qua khâu quản lý giám sát, để cho nhiều chủ cửa hàng bắt tay với chủ thẻ thực hiện giao dịch khống để rút tiền sẽ mang lại nhiều rủi ro cho chính ngân hàng.
Việc phát hiện ra những trường hợp rút tiền khống từ thẻ không hề khó, bởi hầu hết các khoản này thường có giá trị cao và được làm tròn. Giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng nêu trường hợp một cửa hàng bán gas ở Định Công, Hà Nội tháng nào cũng có khoảng 4-5 hóa đơn bán hàng thanh toán bằng thẻ ATM có giá trị giao dịch là 30 – 40 triệu đồng.
“Sau khi kiểm tra, chúng tôi phát hiện các chủ thẻ đều đứng tên cá nhân, không phải doanh nghiệp, trong khi mỗi bình gas có giá khoảng 380.000 – 450.000 đồng, nên chúng tôi đã rút máy POS của cửa hàng”, vị này cho hay.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng hiện nay, việc chống quẹt thẻ khống mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, cảnh báo, kiểm tra và giám sát. Khi phát hiện ra sự việc, ngân hàng có quyền từ chối cung cấp máy POS cho cửa hàng thì sẽ không đủ sức nặng để răn đe.
Chưa kể, các dịch vụ rút tiền qua thẻ ngày càng bùng nổ, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không có bất cứ sự quản lý của cơ quan chức năng. Thực tế, đến nay vẫn chưa có một trường hợp nào bị phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền…