Không mấy người sử dụng thẻ tín dụng biết rằng, khoản phí cà thẻ cửa hàng phải trả, chứ không phải họ.
Đang vào mùa cao điểm mua sắm, người tiêu dùng chi tiêu mạnh để đón tết. Thẻ tín dụng được sử dụng nhiều nhờ phương thức mua trước trả sau không trả lãi. Tuy nhiên, không ít người sử dụng thẻ không biết rằng khoản phí cà thẻ, lẽ ra cửa hàng phải trả, chứ không phải họ.
Vô tư phí dù bị cấm
Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định khách hàng không phải trả phí khi thanh toán bằng thẻ, qua POS (máy cà thẻ), nhưng rất nhiều đơn vị kinh doanh, nhất là các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng điện máy, điện thoại… vẫn thu phí.
Anh V.K. cho biết, cuối tháng 10 qua, anh đã bị cửa hàng Nghĩa Thư (Hồ Bá Kiện, P.15, Q.10, TP.HCM) thu phí cà thẻ gần 250.000đ khi anh trả tiền cho chiếc laptop giá gần 15,8 triệu đồng.
Theo anh K., khi anh yêu cầu cà thẻ để thanh toán chiếc laptop, nhân viên cửa hàng cho biết sẽ thu phí 2% trên tổng số tiền. Thấy anh K. lưỡng lự vì khoản phí phải trả khá cao, nhân viên cửa hàng giảm xuống mức 1,5%. Với mức phí này, chiếc laptop của anh K. thành hơn 16 triệu đồng, trong khi giá niêm yết chưa tới 15,8 triệu đồng.
Tương tự, chị Trang (Q.3) cho hay, mới đây chị vào shop đồ Mỹ ở đường Tôn Thất Tùng (Q.1) để mua quần áo. Sau khi chọn một số sản phẩm với tổng số tiền khoảng năm triệu đồng, chị đề nghị cà thẻ Visa để thanh toán, nhân viên thông báo cửa hàng sẽ thu phí 2,5%. Với mức phí này, chị phải trả thêm khoảng 130.000đ.
“Số tiền phí so với tiền hóa đơn không đáng bao nhiêu, nhưng tôi thường xuyên thanh toán bằng thẻ, cuối tháng cộng lại sẽ thành khoản tiền không hề ít. Theo quy định, khoản phí này cửa hàng phải thanh toán chứ không phải khách hàng. Vì thế, tôi đã trả lại hàng, không mua nữa”, chị Trang bày tỏ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng thu phí cà thẻ diễn ra ở nhiều cửa hàng trên địa bàn TP.HCM, chủ yếu là khu vực trung tâm. Tại một cửa hàng chuyên về đồ dùng trẻ em trên đường Võ Văn Tần (Q.3), khách hàng khi thanh toán bằng thẻ đều được cửa hàng thông báo sẽ thu thêm phí 1% đối với thẻ ATM và 2% với thẻ tín dụng (Visa, MasterCard…).
Anh C. (làm việc ở Q.1) cho biết, mới đây anh mua điện thoại Iphone 6S tại một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), bị thu phí 2% khi thanh toán qua máy POS. Khoản phí này đã đẩy giá chiếc điện thoại lên gần 20,4 triệu đồng, thay vì 20 triệu đồng theo hóa đơn.
Việc tính phí còn được nhiều trang web bán hàng trực tuyến áp dụng và niêm yết công khai. Trang Thanh toán online chuyên bán thẻ cào điện thoại trực tuyến, thông báo thu phí 2,7% khi khách hàng thanh toán bằng thẻ Visa, Master, JCB.
Thậm chí, khách hàng thanh toán bằng internet banking cũng bị trang này thu phí 1%. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến trên mạng, tuy nhiên không phải trang web nào cũng thông báo, hay thể hiện trên hóa đơn khi thanh toán. Chỉ khi so sánh giá niêm yết và số tiền phải thanh toán, khá ch hà ng mới phát hiện.
Thông thường, người tiêu dùng ít khi phàn nàn bởi nếu số tiền thanh toán không lớn, khoản phí trả thêm không nhiều. Song, nếu cộng nhiều hóa đơn của nhiều người, hoặc những hóa đơn có giá trị lớn thì khoản phí này không hề nhỏ.
Người tiêu dùng lơ mơ!
Khi được hỏi về khoản phí này, anh Minh Tuấn (Q.Thủ Đức) cho biết mỗi lần anh cà thẻ thường bị đơn vị chấp nhận thanh toán thu phí 1.000-3.000đ. “Quy định của NHNN là vậy mà, mình chấp nhận thôi. Với lại khoản phí cũng không nhiều”, anh Tuấn cho biết.
Anh Tuấn đã bị nhầm lẫn giữa khoản phí cà thẻ với phí rút tiền qua máy ATM. Sau khi được giải thích, anh Tuấn mới ngã ngửa vì anh thường thấy số tiền mình phải thanh toán so với giá niêm yết hàng hóa có sự chênh lệch.
Trong khi đó, anh Thắng (Q.Tân Bình) thì tưởng rằng đây là khoản phí do cửa hàng áp dụng: “Cửa hàng nào thông báo thu phí thì mình phải chấp nhận. Do đó, cửa hàng nào thông báo không thu phí tôi mới thanh toán bằng thẻ”. Hoặc anh H., làm việc ở một cơ quan nhà nước tại Q.1, cho biết, anh không hề biết về khoản phí này, cũng như không biết rằng khách hàng không phải thanh toán bất kỳ khoản phí nào khi cà thẻ.
Ở góc độ người bán hàng, anh Nhất Huy, chủ cửa hàng đồ nội thất ở Q.Phú Nhuận, lại cho rằng, nếu khách hàng mua một món hàng trị giá 200 triệu đồng, cửa hàng lời có một triệu đồng, trong khi phí thanh toán là 2%, tương đương ba triệu đồng. Như vậy, cửa hàng lỗ hai triệu đồng.
“Nếu là chủ cửa hàng thì người tiêu dùng sẽ làm thế nào?”, anh Huy đặt vấn đề. Trong khi đó, chị Nhung, chủ cửa hàng Nàng Boutique (Nguyễn Đình Chiểu, Q.3) cho hay, cửa hàng chị có đến 70% khách mua hàng thanh toán bằng thẻ, trong đó chủ yếu là những hóa đơn giá trị cao.
Chị Nhung cho biết sự cạnh tranh rất gắt gao vì thế, chị chấp nhận lỗ để kéo khách; việc thanh toán bằng thẻ là tiện ích cho cả cửa hàng lẫn người tiêu dùng nên cửa hàng của chị phải thanh toán phí cho NH là điều dĩ nhiên. “Khi thanh toán qua NH, tôi không lo về tiền giả , tiền rách hay tiền lẻ. Việc cất giữ tiền sau mỗi ngày cũng không phải lo. Khi khách hàng quen và ủng hộ thì mình lấy số đông làm lời”, chị Nhung nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, các NH phát hành thẻ không có chính sách thu phí khi khách mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam bằng tiền đồng. Trong thanh toán qua POS, đơn vị chấp nhận thẻ phải là người trả phí dịch vụ cho NH thanh toán với thẻ quốc tế ở mức 2% đến 2,5%, chứ không phải chủ thẻ.
Còn mức phí dịch vụ thanh toán qua POS áp dụng cho thẻ ATM nội địa, theo thông lệ từ 0% đến 1%. Mức phí này cũng không thu từ chủ thẻ mà do đơn vị chấp nhận thẻ trả. Hiện nhiều NH đã giảm phí này xuống mức 0,5%, để khuyến khích không dùng tiền mặt.
Ông Minh cho biết thêm, đơn vị bán hàng thanh toán qua POS cũng như internet không được thu phí của khách. “Thanh tra NH phát hiện đơn vị bán hàng lắp đặt POS thu phí cà thẻ của khách sẽ xử phạt hành chính 30-50 triệu đồng”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết thì cho đến thời điểm này, Thanh tra NHNN chưa xử phạt đơn vị nào!