Đáo hạn thẻ tín dụng là dịch vụ cho bạn vay tiền khi đến hạn trả nợ thẻ tín dụng. Và rủi ro cho tương lai sau này sẽ nhen nhóm từ chính hành động này của chúng ta…
Đáo hạn thẻ tín dụng là gì?
Đáo hạn thẻ tín dụng là một dịch vụ trong chuỗi dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng, theo đó bạn sẽ được bên dịch vụ cung ứng tiền để trả nợ cho ngân hàng khi tới hạn trả nợ thẻ tín dụng, khi bạn không có tiền trả cho ngân hàng.
Thẻ tín dụng là một loại thẻ ATM với tính năng chi tiêu trước trả tiền sau, được miễn lãi suất khoảng 45 ngày. Bản chất là một hình thức cho vay để tiêu dùng, nhưng bạn cũng có thể “vay tiền mặt” từ thẻ này. Thật buồn là rất nhiều người chỉ mở thẻ tín dụng để rút tiền mặt, không phải qua ATM, mà là qua các dịch vụ rút tiền bất hợp pháp.
Nhưng nếu để ý kỹ hơn, dịch vụ này không khác gì chất xúc tác biến thẻ tín dụng của bạn thành con dao hai lưỡi, và người bị hại chính là chủ nhân của nó.
Đáo hạn thẻ tín dụng như thế nào?
Bạn sẽ phải để lại thẻ tín dụng của mình cho bên dịch vụ như một “vật tín”, sau đó họ sẽ cho bạn vay một số tiền đủ trả dư nợ thẻ tín dụng cho ngân hàng với:
- Mức phí đáo hạn thấp 1-2%;
- Cam kết lãi suất đáo hạn thẻ thấp hơn lãi suất thẻ tín dụng; hay tiền lãi phải trả cho bên dịch vụ ít hơn tiền lãi thẻ tín dụng phải trả cho ngân hàng.
- Không lo bị ngân hàng phạt trả chậm, và đặc biệt là không lo ảnh hưởng tới điểm tín dụng.
Bên dịch vụ sẽ giữ thẻ tín dụng, khi hạn mức thẻ lại được nạp đầy thì họ sẽ rút tiền từ thẻ này coi như bên dịch vụ đó sẽ nhận lại số tiền bạn đã vay từ trước; sau đó họ sẽ trả lại thẻ cho bạn.
Tại sao tham gia đáo hạn thẻ tín dụng lại là “nuôi ong tay áo”?
Bạn sẽ phải để lại thẻ tín dụng cho họ. Trong thời gian “đáo hạn thẻ” và chờ đợi hạn mức mới, sẽ không thể chắc chắn thẻ của bạn có được an toàn một chỗ hay không. Có thể họ sẽ chụp lại thông tin mặt trước và mặt sau của thẻ chẳng hạn, một công việc rất đơn giản.
SMS OTP và Smart OTP là hai loại mã OTP được nhiều người dùng hơn cả, người dùng Smartphone hiện nay cũng rất nhiều vì vừa có thể truy cập internet vừa có thể sử dụng Internet banking hoặc các dịch cụ ngân hàng điện tử khác của ngân hàng. Đây chính là “tài nguyên” rất lớn để tin tặc khai thác và cài mã độc vào điện thoại của bạn, sau đó: Đọc trộm mã OTP thậm chí chuyển hướng tin nhắn OTP gửi về, bằng cách:
- Gửi đường link gắn mã độc vào email, tin nhắn hoặc qua mạng xã hội;
- Đăng những bài viết chứa phần mềm độc hại có nội dung sốc, gây trí tò mò để kích thích click;
- Tạo những website giả mạo, có thiết kế giống hệt website chính thức…
Toàn bộ thông tin đăng nhập vào website, thông tin tài khoản trên điện thoại sẽ bị gài mã độc… như vậy có khác gì “tự tạo nghiệp” cho chính mình, nghĩa rằng chúng ta không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra bởi những việc đã làm.
Bạn hãy nhớ rằng có thể mua hàng online chỉ bằng những thông tin trên thẻ mà không cần mã PIN. Chốt chặn cuối cùng chính là mã an toàn OTP, nhưng chắc bao nhiêu % không bị lấy cắp? Hacker “cộng sự” sẽ chờ đợi bạn mắc sai lầm để lấy được mã, và sai lầm này có thể đẩy bạn thành “con nợ thẻ tín dụng”.
Không nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, và càng nói không với chuỗi dịch vụ này vì nó là một “quả bom nổ chậm”. Nhiều lời cảnh báo tương tự đã được đưa ra; chúng ta hãy chủ động điều chỉnh hành vi tiêu dùng của mình ví dụ như dùng thẻ tín dụng để thanh toán hàng hóa, như vậy thì nó mới trở thành công cụ đem lại nhiều lợi ích nhất cho bạn.