Dạng thức cho vay vốn “Ngân hàng trên cột điện” khiến không ít người băn khoăn có hay không sự trà trộn tín dụng đen dưới danh nghĩa hoạt động ngân hàng?
“Vay vốn ngân hàng không thế chấp”, “Cho vay cà vẹt xe không giữ cà vẹt gốc”… là những dòng chữ xuất hiện nhiều nhất trên các tờ rao vặt khác, đang được dán ở khắp nơi ở Phú Yên. Những số điện thoại được in to để bất cứ ai có nhu cầu vay vốn có thể gọi “ngay và luôn”. Người ta còn gọi đây là “ngân hàng trên cột điện”.
Kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương cho thấy, kiểu tín dụng theo dạng rao vặt như trên tập trung vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Số tiền cho vay không lớn, dao động từ 10 triệu đến dưới 100 triệu đồng. Đứng ra làm công việc này, có trường hợp là nhân viên hoặc cộng tác viên của các ngân hàng thương mại, nhưng cũng có cả những trường hợp tín dụng đen trà trộn.
Chính điều này đã làm nhiễu loạn thông tin hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Đó là chưa nói, không ít khách hàng vay vốn theo dạng thức này, nếu không thận trọng dễ bị mắc bẫy lãi suất.
Theo các chuyên gia ngân hàng, lâu nay, không ít ngân hàng e ngại cho vay tiêu dùng bởi các khoản tiền vay tiêu dùng không nhiều, nhưng đối tượng vay đông, nghĩa là khối lượng giao dịch rất lớn, độ rủi ro lại cao. Chính vì vậy, tín dụng đen đã len lỏi và trà trộn dưới dạng thức rao vặt trên cột điện, khiến cho không ít người nhầm tưởng đây là tín dụng ngân hàng.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, hiện giá trị tín dụng tiêu dùng đạt 10,4 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP. Trong khi đó các công ty tài chính mới chỉ có 16 công ty. Thị trường tín dụng tiêu dùng được đánh giá có nhiều tiềm năng.Tuy nhiên quyền lợi của người tiêu dùng trong tín dụng tiêu dùng chưa được đảm bảo.
Ảnh minh họa
Tại Hội thảo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết có tới trên 80% phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng liên quan đến tài chính tiêu dùng. Dù tranh chấp không cao nhưng liên quan tới tài chính, danh dự người tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tín dụng tiêu dùng.
Ông Hồ Tùng Bách, Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh) cũng cho hay, cơ quan này đã nhận được nhiều phản ánh từ người tiêu dùng qua đường dây nóng về một số hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng của các công ty tài chính cho vay.
Người tiêu dùng phản ánh, các nhân viên tại các công ty tài chính cho vay tiêu dùng cung cấp thông tin không đầy đủ, rõ ràng, không chính xác, có dấu hiệu cố tình gây nhầm lẫn, lừa dối.
Nội dung có dấu hiệu gây nhầm lẫn như lãi suất, điều kiện thanh lý sớm hợp đồng, phạt vi phạm. Người tiêu dùng không được cảnh báo về thời hạn trả nợ, phí phạt.
Theo ông Hồ Tùng Bách, nhiều nhân viên tư vấn cho vay đưa ra mức lãi suất từ 2-3%/tháng nhưng khi ký kết hợp đồng lại để mức lãi suất 60- 70% thậm chí lên tới mức hơn 80%/năm.
Phía doanh nghiệp hoàn toàn không cung cấp các thông tin cảnh báo, thời hạn trả nợ cũng như phí phạt trả chậm, không tạo điều kiện để người tiêu dùng nghiên cứu các điều khoản trong hợp đồng. Với kiểu cho vay thủ tục vay nhanh gọn, thậm chí doanh nghiệp còn làm hợp đồng, để khách hàng ký và bỏ trống phần lãi suất rồi sau đó tự điền mức lãi suất.
Khi người tiêu dùng chủ quan, chưa nghiên cứu kỹ, việc lãi suất cao cộng thêm các khoản phí phạt khi thanh toán chậm có thể khiến khoản nợ của họ rơi vào cảnh cảm thấy mình rơi vào bẫy của các tổ chức tài chính.
Phần lớn giao dịch cho vay được thực hiện tại các Trung tâm thương mại, người tiêu dùng ký vào tờ giấy rồi lấy tiền mua sắm, sau đó đợi đến khi doanh nghiệp nói gửi qua đường bưu điện, cách thức cung cấp hợp đồng tiềm ẩn rủi ro. Nhân viên thường để trống lãi suất và người tiêu dùng ký sau công ty cho vay muốn điền bao nhiêu thì điền vào, bút sa gà chết, đây là hành vi rất là nguy hiểm.
Hành vi thứ hai là thu thập thông tin người thân với mục đích cung cấp thông tin hỗ trợ. Nhưng khi xảy ra tranh chấp thì gây áp lực với cả người thân. Nhân viên thay nhau điện thoại liên tục từ 6h sáng đến 10h tối, cả điện thoại người thân để gây áp lực hăm dọa đủ điều, nhắn tin đòi kiện ra tòa.
Thậm chí phụ nữ có bầu cũng bị hăm dọa, bắt phải nhận nợ thay, trả nợ thay cho chồng.
“Hành vi quấy rối đe dọa người tiêu dùng nhiều khi không tưởng tượng được, không khác gì xã hội đen”, ông Bách nói.
Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại thiếu chuyên nghiệp, kém hiệu quả.
Thông thường, để gửi được đơn khiếu nại cho bên công ty cũng rất khó khăn vì không cung cấp email, không cho gặp trực tiếp mà chỉ cho liên hệ với hệ thống chăm sóc khách hàng. Khi gọi Tổng tài, hotline liên tục báo bận, lời thoại hướng dẫn phức tạp, kéo dài; đẩy trách nhiệm giải thích, kéo dài thời gian giải quyết thông tin… khiến cho khách hàng càng thêm bức xúc.
Có trường hợp người tiêu dùng trình bằng chứng đã nộp tiền cho ngân hàng thì nhân viên nói xác nhận ngày nhận bao nhiêu là quyền của chúng tôi.
Ngoài ra có sự nhập nhằng giữa tín dụng tiêu dùng chính thống và tín dụng “đen”.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh nói: “Tôi đi làm để ý trên đường tất cả các cột điện đều dán số điện thoại cho vay tiền, vay không thế chấp chỉ cần chứng minh thư. Đó là tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng. Tôi biết nhiều gia đình bán cả nhà vì tham gia vào vay không đúng như vậy”.
Theo TS. Đinh Thị Thanh Nhàn, Khoa kinh tế Luật, trường Đại học Thương mại Hà Nội, 3 năm trở lại đây tín dụng tiêu dùng diễn ra nhanh, nóng, các hình thức cho vay đa dạng phong phú, dễ thấy quảng cáo cho vay ở khắp nơi như: mua nhà, sửa nhà, điện thoại, ô tô, thanh toán điện nước… Nó tạo ra kênh tiếp cận vốn mới cho người tiêu dùng nhất là những người có mức thu nhập trung bình, nhằm tránh rơi vào tín dụng đen. Với doanh nghiệp đây là thị trường kinh doanh tiềm năng.
Tuy nhiên do thị trường mới nên tồn tại nhiều bất ổn, các quy định pháp luật thiếu vắng, pháp luật chưa có quy định riêng đối với cho vay tiêu dùng.
Theo quy định hiện nay, lãi suất trần quy định cho vay tiêu dùng là 20% mỗi năm. Tuy nhiên trên thực tế thấp nhất vẫn là 25% và có nơi lãi suất lên tới 80% .
Các công ty này áp dụng nhiều các khoản phí, khoản phạt để lách quy định về giới hạn lãi suất trần của pháp luật.
Người dân vay tiền từ các tổ chức tài chính nhưng không trả hoặc trả nợ không đúng hạn có thể bị lưu vào mục nợ xấu trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng sau đó.
Mở đầu tọa đàm “Điểm tín dụng cá nhân trong vay tiêu dùng” tổ chức ngày 16-6 tại TP HCM, ông Cao Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc CIC, thuật lại: “Chị bảo lãnh cho em gái vay tiền mua xe máy nhưng sau đó, người em vì lý do nào đó quên trả nợ. Hậu quả, người chị bị ghi vào mục nợ xấu trên CIC. Đến khi đi vay tiền ngân hàng, người chị mới vỡ lẽ và lãnh hậu quả do từng có lịch sử nợ xấu”.
Theo ông Bình, CIC đã chấm điểm tín dụng theo chuẩn quốc tế và đã chấm điểm cho tất cả khách hàng vay trong cơ sở dữ liệu của tổ chức này. Được chấm điểm và xếp hạng tín dụng cao, khách hàng cá nhân có thể chứng minh năng lực tài chính khi du học, tuyển dụng nhân sự. Ngược lại, khách hàng có nợ xấu, điểm tín dụng thấp, các tổ chức cấp tín dụng sẽ thẩm định kỹ hơn, điều kiện cấp tín dụng chặt chẽ hơn và lãi suất cũng cao hơn nhằm hạn chế rủi ro.
Hiện nay, các thông tin về hành vi tín dụng của khách hàng cá nhân tại một tổ chức tín dụng đã được chia sẻ cho các đơn vị khác trên CIC. Bà Vương Thủy Tiên, thành viên HĐTV Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam, cho biết thông tin trên CIC được công ty xem là một trong những tiêu chí quan trọng để thẩm định khách hàng trước khi quyết định cho vay. Các thông tin về tình trạng hiện tại của khách hàng như đang nợ ở đâu, nợ bao nhiêu, trả nợ như thế nào, đã nợ quá hạn ở tổ chức nào chưa… đều được Home Credit xem xét kỹ lưỡng.
Nhiều khách hàng do sơ xuất trong quá trình thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc bảo lãnh cho người thân, dẫn đến trả nợ không đúng hạn, bị chuyển thành nợ xấu. Dù số nợ rất nhỏ và đã trả xong nhưng lịch sử nợ xấu vẫn được lưu lại trong 5 năm trên CIC. “Sinh viên vay theo các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cũng nên có trách nhiệm với khoản vay bởi đây là cách tốt nhất để giữ uy tín và bảo vệ mình sau này” – ông Cao Văn Bình khuyến cáo.
Dù CIC có vai trò quan trọng trong việc các tổ chức cấp tín dụng, xét duyệt vay vốn nhưng rất nhiều khách hàng vẫn chưa biết đến cổng thông tin này.