Bạn biết gì về email marketing và những kiến thức liên quan đến lĩnh vực này? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những hiểu biết quan trọng về email marketing mà bất kỳ ai làm trong ngành tiếp thị và truyền thông cũng cần phải nắm.
1. Email marketing là gì?
Email marketing là hình thức sử dụng email để quảng bá sản phẩm và dịch vụ, đồng thời xây dựng một mối quan hệ bền vững với khách hàng tiềm năng và khách hàng hiện hữu. Ngoài những email xác nhận đơn hàng và email trực tiếp trả lời thắc mắc của khách hàng, thì hầu hết các email mà doanh nghiệp gửi đi đều là email marketing.
Các email marketing thường được bộ phận Marketing của công ty gửi qua hệ thống email dành cho doanh nghiệp. Ngoài ra, bộ phận Marketing cũng có thể sử dụng các công cụ chuyên nghiệp từ nhà cung cấp để gửi email một cách tự động. Một email marketing được coi là thành công khi nó thu hút được rất nhiều lượt click vào email, lượt xem và lượt hành động (đăng ký, mua hàng, để lại thông tin…) từ người nhận.
2. Tại sao doanh nghiệp cần sử dụng email marketing?
Ngày nay, các doanh nghiệp thường tập trung vào các công cụ như Google và Facebook để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình đến khách hàng. Thế nhưng Facebook và Google lại thường xuyên thay đổi thuật toán để cải thiện dịch vụ của họ. Việc liên tục có những biến động này khiến website của doanh nghiệp bị tụt hạng trên công cụ tìm kiếm Google và bài đăng của thương hiệu trên Facebook bị “mất hút” giữa một “biển” các bài đăng khác không liên quan. Trong khi đó, với email marketing, mọi thứ lại rất bền vững vì chúng rất ít khi thay đổi thuật toán công nghệ.
Chưa kể, email marketing còn là một trong những hình thức rẻ nhất để quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng. Nếu bạn đã có thông tin của những khách hàng đã từng mua sản phẩm, dịch vụ của mình, bạn có thể tạo một chiến dịch email marketing để thuyết phục họ tiếp tục mua hàng của bạn. Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí vì bạn không phải bỏ tiền để tìm kiếm khách hàng mới.
Ngoài ra, sử dụng email marketing cũng giúp đo lường hiệu quả của chiến dịch quảng bá một cách cụ thể và chính xác hơn. Thông qua email marketing, bạn hoàn toàn có thể biết được những ai đã mở email của bạn, số lượt click vào đường link trong email, số lượt thực hiện hành động mà bạn mong muốn.
Cuối cùng, theo thống kê của Statista, năm 2020, cả thế giới có hơn 4 tỷ người dùng email, tương đương một nửa dân số thế giới đang sử dụng công cụ này. Năm 2018, xấp xỉ 281 tỷ email được gửi và nhận mỗi ngày. Ước tính năm 2023 con số này sẽ tăng lên 347 tỷ email. Tất cả những số liệu này cho thấy email ngày càng trở nên quan trọng đối với nhiều người. Và hiển nhiên, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp qua hình thức email marketing là vô cùng to lớn.
3. Vai trò của email marketing
Email marketing là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp thu hút, thúc đẩy khách hàng mua hàng và duy trì mối quan hệ bền vững với họ. Những vai trò chủ đạo của email marketing gồm:
3.1. Quảng bá sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp
Những email marketing mang thông điệp nhận biết, cân nhắc, mời gọi, hướng dẫn… sẽ giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình một cách hiệu quả. Một khi thương hiệu của chúng ta được nhiều người biết đến rộng rãi, khả năng bán hàng và thu về lợi nhuận cũng tăng lên đáng kể
3.2. Xây dựng uy tín cho doanh nghiệp
Một email marketing được đầu tư bài bản về nội dung và hình thức chính là lời khẳng định rõ nhất cho những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tiếp cận khách hàng. Nếu duy trì được sự chỉn chu và chân thành này trong thời gian đủ dài, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được đẳng cấp cho thương hiệu của mình. Uy tín của doanh nghiệp nhờ thế cũng sẽ gia tăng đáng kể.
3.3. Thiết lập và duy trì quan hệ bền vững với khách hàng
Email marketing không chỉ để bán hàng. Quan trọng hơn, email marketing còn là một phương tiện để doanh nghiệp liên lạc, kết nối với khách hàng của mình, từ đó thiết lập và duy trì các mối quan hệ bền vững với họ.
Vì là mối quan hệ song phương nên thông qua email marketing, doanh nghiệp cũng có thể nắm bắt được phản ứng, thái độ và lý do hành động hoặc không hành động của khách hàng tiềm năng. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những điều chỉnh để củng cố mối quan hệ này, đồng thời tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.